3 công trình giao thông ở TP HCM, bao gồm Đường song hành Võ Văn Kiệt, Cầu Thủ Thiêm 2 và mặt bằng Metro đoạn đường Lê Lợi dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng bắt đầu từ dịp 30/4 tới đây. Đây là thông tin được đưa ra vào chiều ngày 18/4 tại buổi họp báo do Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM chủ trì.
1. Đường song hành Võ Văn Kiệt

Theo đó, tuyến song hành đại lộ Võ Văn Kiệt (phía bên phải) sắp hoàn thành sau 1 năm thi công. Công nhân đang hoàn thành các hạng mục cuối cùng. Dự kiến đưa tuyến đường này sẽ đưa vào hoạt từ tháng 4 với chiều dài 6,15km, rộng 7m đi dưới cầu Calmette bên bờ kênh Tàu Hủ kết nối đường Nguyễn Thái Học đến Pasteur, cho xe chạy 40km/h. Tổng vốn đầu tư xây dựng đường song hành Võ Văn Kiệt lên đến 54 tỷ đồng. Sau gần một năm thi công, dự án cơ bản đã hoàn thành các hạng mục như trải nhựa đường, hệ thống chiếu sáng… Cho đến ngày 18/4, khu vực công trường, dọc tuyến cạnh bờ sông cơ bản đã được lắp lan can và ốp gạch vỉa hè đoạn dọc bên tuyến gần bờ sông. Hiện tại, chỉ còn một phần đoạn đầu phía đường Pasteur chưa được hoàn thiện lan can. Cây xanh dọc tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt cũng đã được trồng đem đến diện mạo mới.

Hiện toàn tuyến đã được trải nhựa đường. Để đưa vào khai thác đúng tiến độ, dự kiến trong tuần tới dự án tiến hành kẻ vạch sơn và chỉn chu các hạng mục còn lại. Khi dự án hoàn thành, đại lộ Võ Văn Kiệt sẽ mở rộng từ 14 lên 16 làn xe.
Tuyến song hành đại lộ Võ Văn Kiệt được khởi công từ tháng 5/2021 nhằm giải quyết tình trạng ùn ứ, mất an toàn tại giao lộ Võ Văn Kiệt – Ký Con. Trên thực tế, số lượng xe dừng chờ rẽ trái đoạn giao lộ này rất lớn, chiếm vào làn đường của xe đi thẳng. Nguy hiểm hơn, xe máy chỉ có thể dừng chờ trên làn đi thẳng hoặc phải tạt qua đầu ôtô đang lưu thông để dừng chờ. Đoạn tuyến song hành thuộc đường Võ Văn Kiệt, đại lộ Võ Văn Kiệt tới nay đã được đưa vào khai thác khoảng 13 năm nay với chiều rộng 60m, chiều dài khoảng 13 km tính từ cầu Calmette (quận 1) đến nút giao quốc lộ 1, nằm trong trục đại lộ Đông – Tây của TP HCM. Đây được coi là tuyến đường huyết mạch của TP HCM, thuận tiện kết nối với các tỉnh, thành lân cận.
2. Cầu Thủ Thiêm 2

Công trình cầu Thủ Thiêm 2 đang trong quá trình hoàn thiện lên đến 90% sau gần 7 năm khởi công. Cầu Thủ Thiêm 2 được xây dựng với chiều dài 1,5km, tổng vốn đầu tư lên đến hơn 3000 tỷ đồng. Công trình đã bị lỗi hẹn 4 năm do vướng mắc về vốn và giải phóng mặt bằng. Dự kiến, cầu sẽ được đưa vào khai thác dịp 30/4. Khi hoàn thành, cầu Thủ Thiêm 2 được xem là công trình biểu tượng của TP. HCM.
Hiện tại, ông ông Phan Công Bằng – Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM cùng với các đơn vị liên quan khác đã tiến hành đi kiểm tra hiện trường công tác di dời hạ tầng kỹ thuật nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành toàn bộ các hạng mục còn lại của công trình xây dựng cầu Thủ Thiêm 2. Hiện nay công tác thử tải cầu dẫn, cầu chính của tuyến cầu. Đến sáng ngày 19/4, đơn vị thi công đang hoàn thành các hạng các công việc chính như thảm nhựa, thảm nhựa đường dẫn, phía dưới dạ cầu cũng đã được chủ đầu tư thực hiện hoàn chỉnh. Các hạng mục phụ như dọn dẹp lô cốt, hoàn thiện tái lập mặt đường sau thời gian dài thi công sẽ được tiến hành và hoàn thiện sớm. Đơn vị viễn thông, điện lực cũng đang thu các dây cáp điện, di chuyển tủ điện vào khu vực đã được quy hoạch bố trí.
Hiện tại, phương án tổ chức giao thông đi lại cho người dân qua đoạn này đã được hoàn chỉnh tạo thuận lợi cho người dân lưu thông. Theo đó, tổ chức đèn tín hiệu giao thông hoạt động ngay tại giao lộ Nguyễn Hữu Cảnh – Lê Thánh Tôn – Tôn Đức Thắng theo chế độ 2 pha.
- Pha 1: giao thông trên đường Tôn Đức Thắng (hướng từ công trường Mê Linh đến đường Nguyễn Hữu Cảnh), xe cộ được phép rẽ phải liên tục vào đường Nguyễn Hữu Cảnh. Còn hướng ngược lại (từ đường Lý Tự Trọng đến đường Lê Thánh Tôn) xe cộ được đi thẳng và rẽ phải liên tục.
- Pha 2: Giao thông trên đường Nguyễn Hữu Cảnh vào đường Tôn Đức Thắng, xe cộ rẽ trái về đường Tôn Đức Thắng theo tín hiệu đèn. Riêng việc rẽ phải chỉ cho phép xe 2 bánh thực hiện liên tục, các loại xe còn lại thực hiện theo tín hiệu đèn.
- Tại giao lộ Tôn Đức Thắng – Nguyễn Du, cơ quan chức năng sẽ không tạo điểm mở dải phân cách. Tại giao lộ Tôn Đức Thắng – Lê Duẩn các phương tiện được phép quay đầu, rẽ trái. Từ đường Tôn Đức Thắng vào đường Lê Duẩn (hướng về Thảo cầm viên), xe cộ sẽ được phép rẽ phải liên tục .
- Nhánh N2 (hướng từ TP Thủ Đức về quận 1) chỉ được phép quay đầu xe liên tục về đường Tôn Đức Thắng để về công trường Mê Linh. Đoạn đường khu vực quanh cầu Thủ Thiêm cấm dừng và đỗ xe.
- Nhánh cầu N1 (hướng từ công trường Mê Linh lên cầu Thủ Thiêm 2) cho xe di chuyển để rẽ phải về TP Thủ Đức. Phía TP Thủ Đức (quận 2 cũ) xe cộ di chuyển theo hướng dẫn do giao thông tại đây đơn giản hơn.
Công trình hoàn thành sẽ kết nối giao thông giữa trung tâm đô thị TP.HCM với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của TP Thủ Đức nói riêng và TP.HCM nói chung.
3. Hoàn trả mặt bằng đường Lê Lợi.

Cùng với hai công trình trên, mặt bằng đường Lê Lợi đoạn chợ Bến Thành với tổng chiều dài 500m cũng được bàn giao trước ngày 30/4 sau 7 năm rào chắn để tiến hành thi công tuyến Metro số 1. Những ngày này trên công trường ga ngầm Bến Thành (đường Lê Lợi, quận 1), đoạn từ đoạn Nguyễn Huệ đến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, hàng chục công nhân, kỹ sư và máy móc vẫn đang làm việc liên tục, đẩy nhanh tiến độ thi công trong đoạn cuối cùng để kịp hoàn tất tháo dỡ rào chắn trên đường Lê Lợi.
Việc tháo dỡ rào và giải phóng mặt bằng đoạn đường Lê Lợi được người dân rất kỳ vọng. Bởi nó sẽ giảm đi tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn giao thông, trả lại không gian thoáng đãng bị sau 7 năm qua chắn thi công tuyến đường Metro.
Không chỉ vấn đề giao thông, giải phóng mặt bằng đoạn đường Lê Lợi cũng có tác động tích cực đối với vấn đề kinh tế ở khu vực này. Trước đó, hàng loạt mặt bằng đắt đỏ trên tuyến đường này đã phải cửa đóng, then cài, tạm ngừng kinh doanh hoạt động. Việc rào chắn khiến cho việc đi lại, buôn bán của người dân khu vực này gặp rất nhiều khó khăn.
Đây là đoạn hoàn trả mặt bằng cuối cùng của dự án Metro ở quận 1. Sau khi hoàn trả, tuyến đường này sẽ được chỉnh trang để kết nối với đường Nguyễn Huệ, quận 1 tạo thành không gian đi bộ kết hợp mua sắm, thương mại sầm uất tại khu vực trung tâm thành phố.
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, 95% khối lượng của gói thầu 1a đã hoàn thành sau 7 năm thi công. Tuyến Metro số 1 có tổng mức đầu tư 43.700 tỉ đồng. Hiện tại, tổng khối lượng thi công đã đạt được 89%. TP HCM đặt mục tiêu sẽ đưa dự án này vận hành vào cuối quý 4/2023.